Dưỡng sinh là cách "nuôi dưỡng sự sống với mục đích được trường thọ an vui".
Trong dân gian hiện nay, đặc biệt có cầu nối internet giúp sức lan tỏa rất hiệu quả, đã lan truyền những ý tưởng đủ loại màu sắc. Biết chắt lọc, ta có thể chọn suy tưởng làm kim chỉ nam hỗ trợ đường đi nước bước của cuộc sống mình để đạt được những điều tốt đẹp, đặc biệt là có sức khỏe.
Làm gì để "Thân tâm thường an lạc"?
"Dưỡng sinh" là gì? Nói nôm na, dưỡng sinh là cách "nuôi dưỡng sự sống với mục đích được trường thọ an vui". Có hẳn bộ môn Dưỡng sinh trong ngành Y giúp người ta tập luyện đúng mực, ăn uống đúng phép, có thái độ tinh thần thích hợp để dưỡng sinh. Sống sao điều hòa âm dương trong cơ thể, sống hợp quy luật sinh học và thiên nhiên và chuyển hóa thái độ tinh thần nhằm giúp dưỡng sinh.
Còn "sức khỏe" là gì? Từ năm 1946, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra định nghĩa về sức khỏe: "Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà là trạng thái hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội".
Định nghĩa trên cho thấy thân và tâm của con người dính liền với nhau như hình với bóng, và có sức khỏe có nghĩa "thân tâm an lạc". Điều hết sức thú vị là đối với những ai là con nhà Phật không phải đến bấy giờ, tức thời điểm WHO đưa ra định nghĩa, mà từ rất lâu rồi con nhà Phật thường chúc mọi người: "Thân tâm thường an lạc". Đúng là chỉ có sức khỏe toàn diện khi đạt được trạng thái CÂN BẰNG, HÀI HÒA GIỮA CÁ NHÂN, XÃ HỘI, MÔI TRƯỜNG. Và ta cũng chỉ có sức khỏe khi dinh dưỡng, vận động, ngủ nghỉ đúng phép.
Thông qua dinh dưỡng, vận động, ngủ nghỉ đúng phép là ta đã thực hiện tốt dưỡng sinh như sau.
Dinh dưỡng để dưỡng sinh
- Ăn đa dạng: không ăn thứ gì nhiều quá cũng như không bỏ thứ gì cần thiết, tức ăn uống đầy đủ và cân bằng 5 nhóm chất dinh dưỡng (đạm, đường bột, béo, vitamin và chất khoáng).
- Không ăn uống quá no, không quá đói (nên ăn với một chút đói trong no chứ đừng no đến căng bụng).
- Ăn uống theo mệnh lệnh của bao tử (đừng ép mình nhịn ăn quá đáng do sợ bệnh). Vua thiền sư Trần Nhân Tông đã dạy: "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền." (Sống đời vui đạo tùy duyên/ Đói thì ăn, mệt ngủ liền một khi/ Nhà ta châu báu thiếu gì/ Vô tâm trước cảnh hỏi chi là thiền).
- Không chỉ ăn "đủ" mà còn ăn "lành". Ăn "lành" là biết cách ăn uống như: luôn thực hiện "ăn chín, uống sôi"; thức ăn cũ cần nấu chín kỹ trước khi ăn; bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, gián, bụi bặm xâm nhập; rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh và lao động… Muốn ăn "lành" phải có sự hỗ trợ của xã hội. Bởi vì không thể bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho mọi người nếu không có sự quản lý hữu hiệu của cơ quan quản lý chức năng nhà nước.
Vận động để dưỡng sinh
Phải luyện hình kết hợp với luyện thở. Nên lưu ý, vận động thể lực đúng cách kết hợp thở sâu sẽ giúp: bệnh tránh, già chậm.
Thở thâm sâu không chỉ cho ta nguồn sống nhờ thu thật nhiều khí oxy, thải cho gần hết khí CO2 ở phổi, mà còn tác động giúp thanh lọc tâm ý.
Thở thật thâm sâu là hít thở với trạng thái tỉnh thức hoàn toàn: "Hít vào, thấy bụng phình ra; Thở ra, thấy bụng xẹp lại". Và với tâm ý thanh tịnh: "Hít vào tâm tĩnh lặng. Thở ra miệng mỉm cười", và với tâm hân hoan, như Đức Phật Thích Ca trong kinh Niệm xứ và niệm hơi thở đã cho thấy: "Với tâm hân hoan, tôi thở vào; Với tâm hân hoan, tôi thở ra", để như thế mà đi vào thiền, để buông xả, để quán chiếu sâu sắc thân thể, tâm thức và hoàn cảnh. Nhằm đem lại an lạc hạnh phúc cho ta và cho cả thế gian này.
Ngủ nghỉ để dưỡng sinh
Cần ngủ giấc ngủ đủ và sâu. Giấc ngủ không mộng mị là giấc ngủ đủ, sâu và là cách phục hồi sinh lực tốt nhất. Ngủ có đủ thì mới say giấc nồng, và nếu ngủ sâu thì dù có nằm mộng, khi thức dậy chẳng nhớ gì hết. Dấu hiệu cho biết ngủ đủ là có sự sảng khoái, tươi tỉnh, thoải mái khi thức giấc, làm việc bình thường vào ban ngày. Ngày nay, khoa học đã chứng minh ngủ đủ sẽ có sức khỏe tốt, còn thiếu ngủ sẽ bị đủ thứ bệnh.
Rõ ràng để dưỡng sinh nhằm có sức khỏe tốt, không gì cho bằng: "Ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu (Trang Tử, Nam Hoa Kinh).
Nguồn: BacSiDongY.com